Tâm Lý Nhi

Tăng Trưởng Cảm Xúc

TĂNG ĐỘNG – GIẢM CHÚ Ý Ở TRẺ 

Tăng động giảm chú ý là cụm từ không còn quá xa lạ khi tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc tăng động giảm chú ý dao động từ 3,2 – 9,3%. Cha mẹ cần hiểu rõ để kịp thời phối hợp cùng bác sĩ/ chuyên gia tâm lý chẩn đoán và can thiệp sớm.

Tăng động giảm chú ý là gì?

Tăng động giảm chú ý (hay còn gọi là ADHD ở trẻ) là một trong những rối loạn phát triển não bộ thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng rối loạn ở trẻ nhỏ có thể tiếp tục đến tuổi thiếu niên và kéo dài đến tuổi trưởng thành. 

Trẻ em bị ADHA thường gặp vấn đề trong việc tập trung, kiểm soát các hành vi bộc phát (hành động mà không nghĩ đến hậu quả), hoặc quá hiếu động.

3 Hình thức Tăng động giảm chú ý ở trẻ

Có ba hình thức Tăng động giảm chú ý, tùy thuộc vào việc triệu chứng nào biểu hiện rõ nhất ở trẻ.

1. Loại 1: Chểnh mảng, mất tập trung

Những biểu hiện thường gặp ở trẻ bị tăng động giảm chú ý dạng chểnh mảng/mất tập trung:

  • Bất cẩn
  • Dễ bị phân tâm, trẻ thường gặp rắc rối với công việc trong môi trường tập thể
  • Khó khăn trong việc tập trung và học tập tại trường
  • Trẻ không hợp tác, tránh né các nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung trong thời gian dài
  • Lơ đãng, hay mơ màng: trẻ không hề kém thông minh so với các bạn. Tuy nhiên, trẻ gặp khó khăn khi lắng nghe hướng dẫn của thầy cô, từ đó thường xuyên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt sự hướng dẫn hoặc những yêu cầu của việc làm bài tập
  • Hay đánh mất những thứ quan trọng
  • Hay quên bài vở và những hoạt động thường ngày
  • Trẻ cũng gặp khó khăn về kỹ năng đọc và viết. Khoảng 20% trẻ mắc chứng rối loạn tăng động kém chú ý cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt

2. Loại 2: Hiếu động, bốc đồng

Những trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý dạng hiếu động/bốc đồng phải đối mặt với tình trạng trẻ bị hiếu động và bốc đồng quá mức.

Biểu hiện của trẻ hiếu động: 

  • Hay chạy nhảy hoặc luôn tay luôn chân
  • Không thể ngồi yên hoặc nghỉ ngơi
  • Chạy nhảy/leo trèo liên tục
  • Không thể vui chơi/học tập một cách yên lặng
  • Luôn hoạt động/ Thừa năng lượng
  • Nói quá nhiều
  • Hay khó ngủ

Biểu hiện của trẻ bốc đồng:

  • Hay buột miệng trả lời
  • Không thể đợi đến lượt mình
  • Hay giật đồ của bạn khác
  • Hay ngắt lời/áp đặt bạn khác
  • Có thể gặp nhiều tai nạn/chấn thương hơn bình thường (do chạy nhảy quá nhiều)
  • Hay quậy phá, dễ nổi cáu
  • Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ ở những thời điểm không phù hợp

Trẻ phải trên 6 tuổi và có triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng

3. Loại 3: Kết hợp tăng động và giảm chú ý

Trẻ biểu hiện các triệu chứng của cả hai loại trên NGANG NHAU. Do triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian, tình trạng trẻ cũng có thể thay đổi theo thời gian.

Ngoài ra trẻ tăng động giảm chú ý còn có các triệu chứng khác như:

  • Không giao tiếp với bạn bè: trẻ thường thiếu tự tin khi giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô. Điều này càng khiến trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới.
  • Trẻ gặp khó khăn khi bày tỏ cảm xúc bằng lời hoặc những cử chỉ thông thường: trẻ mắc ADHD cũng thường phải đối mặt với chứng nhận thức và trạng thái chậm phát triển đặc hiệu về vận động và ngôn ngữ đi kèm. 

Chẩn đoán Tăng động giảm chú ý ở trẻ

Tăng động giảm chú ý (ADHD) thường gặp ở trẻ em trai hơn trẻ em gái, và trẻ mắc chứng ADHD bắt đầu phát triển triệu chứng trước khi lên 7 tuổi.

Không có “xét nghiệm máu” hay một xét nghiệm duy nhất để chẩn đoán, việc xác định liệu trẻ có rối loạn hay không cần nhiều bước.

Một trong các bước bao gồm việc phỏng vấn cha mẹ và giáo viên, quan sát lâm sàng, quan sát tại trường và các bài kiểm tra tiêu chuẩn khác để đánh giá trẻ. Cũng cần kiểm tra thính lực và thị lực của trẻ, để loại bỏ các vấn đề khác có triệu chứng giống như tăng động – giảm chú ý (ADHD). 

Cần lưu ý phân biệt ADHD & Tổn thương Tâm lý (PTSD); ADHD & Phổ Tự Kỷ (ASD) trong quá trình chẩn đoán. Ngoài ra, biểu hiện tăng động giảm chú ý (ADHD) tại từng độ tuổi khác nhau cũng có những đặc điểm khác nhau.

Phương pháp điều trị Tăng động giảm chú ý ở trẻ

Phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý ở trẻ bao gồm dùng thuốc, giáo dục, can thiệp hành vi, trị liệu tâm lý. Trẻ chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định và bắt buộc phải kết hợp với liệu pháp tâm lý. Những trẻ được chẩn đoán và can thiệp sớm có khả năng cải thiện tốt hơn. 

Nếu con anh chị có những triệu chứng tăng động – giảm chú ý hơn 6 tháng tại tối thiểu HAI môi trường, gia đình không có những biến cố mới xảy ra/ cha mẹ không có những căng thẳng quá độ trong cuộc sống, các bé có sức khỏe thể chất bình thường (thính lực và thị lực đều tốt), phương pháp điều trị tốt nhất là Can Thiệp Hành Vi.

Can thiệp hành vi cho trẻ: Khóa huấn luyện dành cho Cha mẹ

Hướng dẫn điều trị lâm sàng của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) năm 2011 khuyến khích Can thiệp hành vi là bước điều trị đầu tiên cho trẻ. Việc hướng dẫn để cha mẹ tham gia Can thiệp hành vi đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao nhất. Giáo viên và những người tham gia chăm sóc cho trẻ những năm đầu đời cũng có thể áp dụng tại lớp học và ở trường.

Tại sao cha mẹ nên sử dụng Can thiệp hành vi đầu tiên, trước khi dùng thuốc?

Can thiệp hành vi cho trẻ là bước quan trọng đầu tiên, bởi vì:

  • Can thiệp hành vi trang bị cho cha mẹ những kỹ năng và chiến lược để hỗ trợ trẻ
  • Can thiệp hành vi đã được kiểm chứng có tác dụng ngang với dùng thuốc cho trẻ nhỏ có ADHD và hiệu quả tối đa với các trẻ dưới 6 tuổi
  • Trẻ nhỏ dùng thuốc điều trị ADHD sẽ phải chịu nhiều tác dụng phụ hơn so với trẻ lớn hơn
  • Các tác dụng phụ lâu dài của thuốc điều trị trên trẻ nhỏ chưa được nghiên cứu đầy đủ

Cơ quan Nghiên cứu và Quản lý Chất lượng Y tế (AHRQ) năm 2010 đã thực hiện một báo cáo tổng kết tất cả các nghiên cứu hiện có về các quan điểm điều trị ADHD cho trẻ dưới 6 tuổi. Báo cáo đã thu thập đủ chứng cứ để khuyến khích cha mẹ tham gia vào quá trình Can thiệp hành vi cho trẻ dưới 6 tuổi có ADHD, cũng như các hành vi phá rối nói chung.

4 chương trình hiệu quả cho cha mẹ có con nhỏ mắc ADHD

Báo cáo tổng kết cũng nêu ra 4 chương trình hiệu quả cho cha mẹ có con nhỏ mắc ADHD nhằm giảm thiểu các triệu chứng và vấn đề liên quan đến ADHD:

1. Chương trình Dạy Dỗ Con Tích cực (Triple P)

2. Chương trình Những Năm Tháng Tuyệt Vời (Incredible Years Parenting Program)

3. Phương pháp Tương tác Cha mẹ và Con Cái (Parent-Child Interaction Therapy)

4. Chương trình Nuôi Dạy Con Cái Theo Cách Mới (New Forest Parenting)

Xem thêm: Bảng giá Chương trình Dạy Dỗ Con Tích Cực (Triple P)

Đến với Phòng khám Tâm lý Nhi Beautyful Hero, Dr. Mimi Thương với vai trò là một chuyên gia Tâm lý sẽ chẩn đoán sâu và cung cấp các công cụ để giúp các em thể hiện cảm xúc lành mạnh. Để đặt lịch hẹn tư vấn, quý khách vui lòng liên hệ hotline 08 2255 4376 hoặc đặt hẹn trực tuyến Tại đây