Tâm Lý Nhi

Tăng Trưởng Cảm Xúc

Ám Ảnh Cưỡng Chế

Nhiều trẻ em thỉnh thoảng có các ý nghĩ khiến trẻ thấy khó chịu, và trẻ có thể bị thôi thúc phải làm gì đó thể theo các ý nghĩ này, cho dù các hành động đó không có ý nghĩa gì. Đối với một số trẻ em, ý nghĩ và sự thôi thúc phải làm gì đó luôn thường trực, cho dù trẻ cố lờ đi hoặc xua đuổi ý nghĩ đó khỏi tâm trí.

Ví dụ, một số trẻ có thể cảm thấy lo lắng nếu không mặc một số quần áo nhất định, ăn một loại thức ăn nhất định, hoặc thậm chí là ngồi một chỗ nhất định trên ô tô hoặc trong lớp học. Các ý nghĩ này được gọi là ám ảnh.

Việc lặp đi lặp lại các hành động (như rửa tay, để đồ vật theo trật tự, kiểm tra một vật nhiều lần) hoặc hành vi lập đi lại thường xuyên (như đếm, lẩm nhẩm các từ, tránh làm gì đó…) được gọi là cưỡng chế.

Trẻ có Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) khi những suy nghĩ không mong muốn hoặc các hành vi do các ý nghĩ đó thôi thúc trẻ phải làm xảy ra thường xuyên và chiếm nhiều thời gian (hơn một tiếng mỗi ngày), gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác, hoặc khiến trẻ chán nản.

Triệu chứng

Trẻ có Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế có thể bị ám ảnh, cưỡng chế hoặc cả hai. Một số ví dụ về hành vi ám ảnh cưỡng chế:

  • Có những ý nghĩ hoặc sự thôi thúc không mong muốn, hoặc những hình ảnh lặp đi lặp lại khiến cho trẻ lo lắng hoặc căng thẳng.
  • Phải nghĩ hoặc nói về một điều gì đó nhiều lần (ví dụ, đếm, hoặc lặp đi lặp lại vài từ khe khẽ hoặc thành tiếng)
  • Phải làm đi làm lại một việc gì đó (ví dụ, chùi rửa, đặt đồ vật theo thứ tự nhất định, hoặc kiểm tra đi kiểm tra lại một thứ gì đó)
  • Phải làm đi làm lại một việc gì đó theo những quy tắc nhất định để ám ảnh biến mất.

Một hiểu lầm thường gặp là trẻ có Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế thường rất gọn gàng và ngăn nắp. Đôi khi, Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế bộc lộ qua việc lau dọn, nhưng thông thường trẻ có Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế chỉ quá tập trung làm đi làm lại một việc gì đó, hơn là thích ngăn nắp. Các hình thức ám ảnh và cưỡng chế cũng có thể thay đổi theo thời gian.

Chẩn đoán

Việc đầu tiên cần làm là liên hệ với tổ chức y tế chuyên môn để thu xếp một buổi đánh giá. Một bản đánh giá toàn diện do chuyên gia tâm lý lâm sàng thực hiện sẽ xác định nỗi lo lắng hoặc căng thẳng có phải là hậu quả của một tổn thương tâm lý hay không, hay nỗi sợ hãi chỉ dựa trên những suy nghĩ và niềm tin. Chuyên gia tâm lý cũng có thể xác định trẻ Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế có mắc rối loạn Tic trong hiện tại hoặc quá khứ hay không. Lo lắng, căng thẳng và các hành vi quấy phá cũng có thể diễn ra song song cùng với Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế.

Điều trị

Việc điều trị có thể bao gồm hành vi trị liệu. Hành vi trị liệu, cụ thể là liệu pháp Nhận thức – Hành vi (Cognitive-Behavioral Therapy, CBT) giúp trẻ chuyển các ý nghĩ tiêu cực thành các suy nghĩ tích cực hơn, từ đó hành động hiệu quả hơn.

Hành vi trị liệu dành cho Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế có thể bao gồm cả việc để trẻ dần dần đối mặt với nỗi sợ hãi của mình trong một môi trường an toàn; điều này có thể giúp trẻ hiểu được rằng những điều tồi tệ sẽ không xảy ra ngay cả khi trẻ không thực hiện hành vi đó, từ đó nỗi sợ hãi của trẻ của sẽ dần giảm xuống. Có trường hợp chỉ cần hành vi trị liệu là đủ hiệu quả, tuy nhiên có những trẻ em hoặc thanh thiếu niên cần được điều trị kết hợp hành vi trị liệu và dùng thuốc.

Gia đình và nhà trường cần giúp trẻ kiểm soát căng thẳng bằng cách tham gia vào quá trình trị liệu và học cách phản ứng để hỗ trợ trẻ hạn chế suy nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng chế tái xuất hiện.