Tâm Lý Nhi

Tăng Trưởng Cảm Xúc

Phổ Tự Kỷ

Phổ tự kỷ là một rối loạn phát triển do sự hoạt động bất thường của não bộ gây ra. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của các hoạt động bất thường này. Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn phổ tự kỷ, nhưng hầu hết đều chưa được xác định. Tuy nhiên, một số trẻ có phổ tự kỷ được xác định là do tình trạng gene di truyền.

Phổ tự kỷ xuất hiện từ trước tuổi lên 3 và có thể kéo dài suốt cuộc đời, mặc dù một số triệu chứng có thể được cải thiện theo thời gian. Một số trẻ tự kỷ có thể bộc lộ dấu hiệu ngay trong những tháng đầu đời. Một số trẻ khác không có biểu hiện nào đến khi được 24 tháng tuổi hoặc sau đó. Có những trẻ phổ tự kỷ dường như phát triển bình thường đến khi 18 đến 24 tháng tuổi và sau đó ngừng phát triển kỹ năng mới, hoặc đánh mất những kỹ năng đã có.

Các nghiên cứu cho thấy 1/3 đến 1/2 số cha mẹ có con phổ tự kỷ nhận thấy vấn đề khác lạ trước sinh nhật đầu tiên của con, và gần 80-90% nhận ra vấn đề khi con được 2 tuổi.

Ngoại hình không phải là vấn đề khiến trẻ phổ tự kỷ khác lạ với các trẻ khác, mà chính sự giao tiếp, tương tác, ứng xử khiến trẻ khác biệt. Khả năng học tập, suy nghĩ và giải quyết vấn đề của trẻ phổ tự kỷ có nhiều mức độ và tần số khác nhau, từ phi thường đến khó khăn nghiêm trọng.

Trẻ phổ tự kỷ thường gặp khó khăn trong 3 lĩnh vực sau:

Kỹ Năng Xã Hội

Vấn đề giao tiếp xã hội là một trong những biểu hiện phổ biến nhất của mọi loại hình phổ tự kỷ. Việc “khó khăn” trong giao tiếp của trẻ phổ tự kỷ không chỉ là việc mắc cỡ hoặc ngượng ngùng. Khó khăn trong việc giao tiếp xã hội gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Ví dụ về các vấn đề giao tiếp xã hội liên quan đến phổ tự kỷ:

  • Không phản ứng với tên mình khi được 12 tháng tuổi
  • Hiếm hoi cười đáp lại khi được 6 tháng tuổi
  • Tránh tiếp xúc bằng mắt
  • Thích chơi một mình
  • Không chia sẻ niềm yêu thích với người khác
  • Chỉ tương tác để đạt được một mục tiêu nhất định
  • Ít thể hiện cảm xúc hoặc thể hiện cảm xúc không phù hợp với tình huống
  • Không hiểu khái niệm không gian cá nhân
  • Lảng tránh hoặc cự tuyệt khi có va chạm vào cơ thể
  • Không để người khác xoa dịu khi gặp căng thẳng
  • Gặp vấn đề trong việc hiểu cảm xúc của người khác hoặc diễn đạt cảm xúc của chính mình

Kỹ Năng Ngôn Ngữ

Mỗi trẻ tự kỷ đều có những kỹ năng giao tiếp khác nhau. Một số trẻ có thể nói chuyện tốt. Số khác không thể nói chuyện hoặc nói rất ít. Khoảng 40% trẻ tự kỷ không hề nói một chút nào. Khoảng 25-30% trẻ tự kỷ có thể nói được vài từ trong khoảng 12-18 tuổi tháng rồi sau đó đánh mất khả năng này. Một số khác lại bắt đầu nói rất muộn sau đó.

Ví dụ về kỹ năng ngôn ngữ liên quan đến tự kỷ:

  • Kỹ năng nói và ngôn ngữ phát triển chậm
  • Lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ (echolialia – chứng nhại lời)
  • Không sử dụng đúng ngôi thứ khi nói chuyện (ví dụ, xưng mình là “cô ấy/anh ấy (He/She)” thay vì “con” (I)
  • Trả lời không liên quan đến câu hỏi
  • Không chỉ trỏ hoặc không phản ứng khi người khác chỉ trỏ vật gì đó
  • Ít hoặc không sử dụng cử chỉ (ví dụ: không vẫy tay tạm biệt)
  • Nói chuyện với ngữ điệu đều đều, giống như rô-bô hoặc như đang ngân nga
  • Chưa biết chơi trò giả đò (ví dụ giả đò đút cho búp bê ăn)
  • Không hiểu lời trêu đùa, chế giễu hoặc chọc ghẹo

Các Sở Thích và Hành Vi Khác Thường

Rất nhiều trẻ tự kỷ có các sở thích hoặc hành vi khác thường. Trẻ tự kỷ có thể dành hàng giờ đồng hồ vẩy đi vẩy lại cánh tay, lắc lư từ bên nọ sang bên kia, xoay thân mình vòng tròn, tắt đi bật lại một công tắc đèn hoặc xoay bánh xe của một món đồ chơi. Các loại hành động này được gọi là “tự kích thích” (self-stimulation/stimming).

Ví dụ về một số sở thích và hành vi liên quan đến phổ tự kỷ:

  • Xếp đồ chơi hoặc đồ vật thành hàng
  • Chơi đồ chơi theo một cách nhiều lần
  • Thích một phần nhất định của đồ vật (ví dụ: bánh xe)
  • Dễ cáu giận vì một thay đổi nhỏ
  • Thích một số thứ đến mức quá độ
  • Phải theo những quy tắc/trình tự nhất định
  • Vẩy tay, lắc lư người hoặc xoay người vòng tròn

Rối Nhiễu Tâm Lý thường đi kèm với Phổ Tự Kỷ

  • Tăng Động Giảm Chú Ý
  • Rối Loạn Lo Âu Tổng Quát
  • Rối Loạn Liên Hệ Tương Tác
  • Trầm cảm Ấu Nhi
  • Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế
  • Rối Loạn Thách Thức Chống Đối
  • Rối Loạn Căng Thẳng Sau Chấn Thương Tâm Lý

Chẩn Đoán và Kiểm Định

Chẩn Đoán: Có rất nhiều phương pháp kiểm tra rối loạn phát triển ở trẻ. Có thể kể đến các phương pháp sàng lọc cơ bản để đánh giá rối loạn phát triển thông thường và phổ tự kỷ như Bảng câu hỏi theo Tuổi và Giai đoạn (ASQ-3) và Danh sách Kiểm tra Sửa đổi cho Trẻ em có Phổ Tự kỷ (MCHAT).

Phổ Tự kỷ đôi khi có thể được xác định khi trẻ được 18 tháng tuổi. Kết quả chẩn đoán do các chuyên gia tâm lý lâm sàng thực hiện khi trẻ được 2 tuổi được coi là rất đáng tin cậy.

Kiểm Định: Các phương pháp chẩn đoán phổ tự kỷ thường dựa trên 2 nguồn thông tin chính 1. Bảng câu hỏi dành cho cha mẹ (hoặc người chăm sóc) về tình hình phát triển của trẻ 2. Bảng báo cáo quan sát hành vi do chuyên gia tâm lý làm sàng thực hiện. Hai phương pháp chẩn đoán có thể kể đến là Phỏng vấn Chẩn đoán Tự kỷ – Đã sửa đổi (ADI-R) và Bảng Quan sát Chẩn đoán Tự kỷ (ADOS-2).

Liệu Pháp Điều Trị

Theo báo cáo của Viện Nhi Khoa và Hội đồng Nghiên cứ Quốc gia Hoa Kỳ, để hỗ trợ trẻ có phổ tự kỷ, các trị liệu về hành vi và ngôn ngữ cần có sự kết cấu, hướng dẫn và tổ chức chặt chẽ với sự tham gia của gia đình.

Các nghiên cứu cũng cho thấy các phương pháp điều trị can thiệp từ sớm có thể cải thiện tình trạng phát triển của trẻ. Việc can thiệp từ sớm có thể giúp trẻ sơ sinh đến 3 tuổi học được những kỹ năng quan trọng. Cần trao đổi ngay với chuyên gia tâm lý khi bạn cảm thấy con mình có các dấu hiệu phổ tự kỷ hoặc các vấn đề phát triển khác.

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc chữa tự kỷ hay điều trị các triệu chứng chính (ngôn ngữ, giao tế, sở thích và hành vi khác thường) của phổ tự kỷ. Tuy nhiên, thuốc có thể giúp trẻ cải thiện những triệu chứng liên quan, ví dụ như kiểm soát việc hoạt động quá mức, khả năng tập trung, căng thẳng, hoặc co giật.

Phương Pháp Hành Vi

Phân Tích Hành Vi Ứng Dụng

Phương pháp Hành Vi Ứng Dụng khuyến khích các hành vi tích cực và giúp hạn chế các hành vi tiêu cực nhằm cải thiện nhiều kỹ năng trong cuộc sống hàng ngày của trẻ. Tiến trình của trẻ sẽ được ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia trị liệu

Phát Triển, Khác Biệt-Cá Nhân, Mối Quan Hệ Nền Tảng (Chơi Trên Sàn)

Phương pháp Chơi Trên Sàn tập trung vào sự phát triển cảm xúc-cảm giác và các mối liên hệ của trẻ với người xung quanh. Trị liệu này cũng tập trung vào sự điều hòa cảm giác mạnh mẽ (nóng giận, hung hăng), và phản ứng của trẻ với cảnh vật, âm thanh.

Âm Ngữ Trị Liệu

Âm ngữ trị liệu giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp. Một số trẻ có thể học kỹ năng ngôn ngữ lời nói. Một số khác lại cần sử dụng cử chỉ hoặc giao tiếp qua tranh ảnh.

Trị Liệu Tổng Hợp Giác Quan

Trị liệu tổng hợp giác quan giúp trẻ xử lý thông tin thuộc về xúc giác, như cảnh vật, âm thanh và mùi vị. Trị liệu tổng hợp giác quan có thể giúp trẻ có vấn đề như cảm thấy khó chịu với những âm thanh nhất định hoặc không thích bị động chạm.

Phương Pháp Dinh Dưỡng

Các nhà trị liệu có tên tuổi đã phát triển một số phương pháp trị liệu dinh dưỡng. Tuy nhiên, đa số các phương pháp này chưa có đủ bằng chứng khoa học để được phổ biến rộng rãi. Một phương pháp trị liệu chưa được kiểm chứng có thể có tác dụng với trẻ này nhưng không có tác dụng với trẻ khác.

Nếu quý phụ huynh đang nghĩ đến việc thay đổi chế độ dinh dưỡng của con, hãy trao đổi với chuyện gia dinh dưỡng để đảm bảo không loại bỏ các vitamin và khoáng chất quan trọng.

Tác Động Của Thiết Bị Điện Tử Thông Minh

Nhiều nghiên cứu của Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ cho thấy trẻ càng dành nhiều thời gian trên các thiết bị điện tử thì nguy cơ chậm phát triển kỹ năng ngôn ngữ càng cao.

Nghiên cứu xác định rằng cứ thêm 30 phút sử dụng thiết bị điện tử, nguy cơ chậm nói lại tăng thêm 49% 

An Toàn Chích Ngừa

Phân tích tổng hợp dựa trên 10 nghiên cứu với sự tham gia của 1,2 triệu trẻ em đã khẳng định chích ngừa không gây ra tự kỷ.

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng việc chích ngừa có thể làm gia tăng nguy cơ mắc tự kỷ, vắcxin Sởi – Quai bị – Rubella thật ra còn có khả năng giảm thiểu nguy cơ này.