Chia Sẻ

Người có Trái tim Lớn

Đừng chỉ ngồi đó mà đau khổ.

Xin chào, tôi tên Uyên

Từ ngày đầu tiên tôi nhận thấy con tôi có vài dấu hiệu khác lạ thì với bản năng của một người mẹ, tôi đã liên tục đấu tranh tư tưởng của bản thân lẫn gia đình để quyết tâm tìm cho ra câu trả lời cho những hoài nghi của mình.

Bé nhà tôi trước năm 2 tuổi thì phát triển rất tốt, thậm chí có nhiều ưu điểm vượt trội hơn những bé cùng tuổi. Ví dụ, bé biết nhận dạng tất cả 26 mặt chữ cái từ 10 tháng tuổi. Bé biết hát và phân biệt được tiếng Việt, tiếng Hoa (chồng tôi người Hoa nên vợ chồng nói nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.) Tuy nhiên tôi để ý thấy bé không bò cũng không lật.

Sau 2 tuổi thì bé có vẻ chậm hơn, rất hay phá phách và chạy nhảy liên tục không biết mệt. Điều quan trọng là bé không còn nói nhiều và hiểu nhiều như trước nữa. Chỉ nói được 1 hay 2 chữ và khi nói chuyện thì không nhìn vào mắt người đối diện. Có khi gọi tên bé thì bé cũng không nhận biết được. Ngoài ra, khả năng tập trung của bé rất kém. Tôi đã quyết định tìm đến bác sĩ gia đình và xin ý kiến, nhưng bác sĩ gia đình không công nhận và nói rằng tôi quá lo lắng không cần thiết. Tôi còn nhớ bác sĩ nói tôi  “Hai tuổi nói chuyện 2 chữ là bình thường.”

Lại một lần nữa, với bản năng của một người mẹ, tôi đã tìm hiểu thông tin trên mạng và thấy rằng nững dấu hiệu của con là những dấu hiệu của các bé Phổ Tự Kỷ. Khi biết rằng Phổ Tự Kỷ là một bệnh liên quan đến sự phát triển, và không có thuốc chữa. Tôi cảm thấy rất sợ vì không biết được tương lai của con mình sẽ vể đâu. Nhiều đêm tôi không ngủ được….Nhưng tôi nghĩ, nếu chỉ ngồi đó mà đau khổ, rồi không làm gì, thì ngày hôm nay tôi sẽ rất hối hận.

Tôi quyết định chuyển bác sẽ gia đình mới cho con tôi. Chắc có lẽ ông trời cũng thương cho sự cố gắng của tôi nên cho tôi gặp được một bác sĩ tốt. Sau khi nghe tôi nói về tình trạng của bé, bác sĩ đã lập tức chuyển hồ sơ đến với chương trình chuyên môn để bé gặp được các chuyên gia về tâm sinh lý trẻ em.

Thế rồi tôi gặp được chị Thương, một người làm việc rất có tâm, lắng nghe những trăn trở của tôi, và hướng dẫn mẹ con tôi rất tận tình. Chị giúp tôi hiểu làm cách nào để giúp con phát triển hơn về ngôn ngữ, giao tiếp. Chị khuyến khích tôi cho bé đi kiểm tra với chuyên gia và bác sĩ chuyên khoa. Khi nghe chị nói như vậy tôi rất đắn đo, vì nỗi sợ hãi con mình bị gắn cái mạc “bệnh“ cả đời. Bây giờ nghĩ lại, nếu ngày đó tôi cứ cố chấp không cho con mình đi kiểm tra cho rõ ràng, thì làm sao bé có được sự trợ giúp tuyệt vời của các nhà chuyên gia.

Điều quan trọng nhất mà tôi muốn gửi đến tất cả các phụ huynh là phải hành động. Hãy suy nghĩ xem mình yêu con hay mình sợ thành kiến của xã hôi. Đối với tôi, bây giờ nghĩ lại thời gian tôi phải đấu tranh tư tưởng với chính bản thân mình, với gia đình chồng, vừa đi học, vừa đi làm, vừa đưa rước con đi học ba trường khác nhau mỗi ngày, tôi nghĩ mình đã thật phi thường. Tôi hy vọng các bậc phụ huynh ngoài khi cũng hãy vì con của mình và “HÀNH ĐỘNG”

Bé nhà tôi bây giờ đã được 8 tuổi. Năm bé 5 tuổi bé đã đậu bài thi ngôn ngữ trôi chảy do tiểu bang California chứng nhận. Bây giờ bé rất năng động và hiểu chuyện. Bé nhìn thẳng người đối diện khi nói chuyện. Bé thật sự phát triển rất bình thường.  

Một lần nữa, tôi cảm ơn cô Thương đã giúp cho gia đình tôi hiểu biết hơn về tâm lý trẻ em, phổ tự kỷ, cũng như hỗ trợ tinh thần cho tôi rất nhiều. Tôi mong cô Thương sẽ giúp cho tất cả các bé phát triển thật khỏe mạnh.

(Chia sẻ chị Uyên, San Jose, California)